GpG8GpGpGUG5GfzoBSWlGUd5GA==

Lịch sử những cây cầu biểu tượng ở Đà Nẵng

Lịch sử những cây cầu biểu tượng ở Đà Nẵng

Lịch sử những cây cầu biểu tượng, gắn bó trong tâm thức của nhiều thế hệ người Đà Nẵng.

Cầu Sông Hàn

Cầu Sông Hàn là cây cầu xoay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam thiết kế và thi công, và là cây cầu quay duy nhất ở Việt Nam hiện nay.

Cầu nối liền hai trục đường chính của Đà Nẵng là đường Lê Duẩn ở bờ Tây và đường Phạm Văn Đồng ở bờ Đông. Địa điểm xây dựng cầu Sông Hàn, trước đó là bến phà luân chuyển khách, phương tiện, hàng hóa. Nơi đây là địa điểm lưu giữ nhiều ký ức của thế hệ người Quảng Nam - Đà Nẵng. 

Cầu Sông Hàn có chiều dài gần 488 m, rộng gần 13 m, gồm 11 nhịp (mỗi nhịp dài 33 mét), kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực và 2 nhịp dây văng có tổng chiều dài gần 123 m, kết cấu dầm và tháp cầu chính bằng thép, bản mặt cầu bằng bê tông cốt thép. Cầu được khởi công ngày 02/09/1998, hoàn thành ngày 29/03/2000.

Cầu được nhân dân góp tiền xây, nhưng ngay sau khi được khánh thành, người chủ thầu xây dựng cầu là Phạm Minh Thông bị bắt. Và sau vài lần "tạm hoãn xét xử", cuối cùng Thông bị xử tù vì tội rút ruột công trình.

Cầu Sông Hàn được du khách trong và ngoài nước biết đến như một biểu tượng của thành phố Đà Nẵng. Hình ảnh của cây cầu được nhìn thấy trong logo của thành phố Đà Nẵng, hiện đang được sử dụng ngày nay.
  
Trước đây, ngoài bốn ngày tết cổ truyền, hằng đêm việc xoay cầu được tổ vận hành thực hiện để phục vụ mục đích mở đường cho tàu lớn đi qua. Khi nhu cầu tàu thuyền qua lại ít hơn, hoạt động xoay trục cầu quay được duy trì nhằm phục vụ khách du lịch vào hai ngày cuối tuần. Vào khoảng 23h đêm, cây cầu quay 90 độ quanh trục bằng hệ thống cơ điện, nằm dọc theo dòng chảy của dòng sông, sau đó xoay ngược trở lại để khớp nối với hệ thống dầm để xe cộ lưu thông trở lại.

Cầu Trần Thị Lý

Cầu Trần Thị Lý hiện nay là cây cầu xây dựng hoàn toàn mới tại vị trí của cầu Trần Thị Lý (cũ). Cầu Trần Thị Lý (cũ) đã bị tháo dỡ năm 2003. Trước đây cầu Trần Thị Lý (cũ) là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hàn của Đà Nẵng. 

Cầu Trần Thị Lý mới được khởi công xây dựng năm 2009 bằng nguồn vốn ngân sách, khánh thành vào ngày 29/03/2013, cùng ngày khánh thành cầu Rồng.

Năm 1951 người Pháp cho xây dựng cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hàn là một cây cầu đường sắt, gắn vào hệ thống đường sắt từ Cảng Tiên Sa đến Ga Đà Nẵng. Cầu dài 520 m, được xây dựng bởi Hãng Eiffel (Pháp), và có tên là cầu De Lattre De Tassigny (1989 - 1952, Thống chế Pháp), mà người dân Đà Nẵng quen gọi là cầu Đờ Lát, cầu Đờ Lách.

Đến năm 1955, khi người Pháp đã rút về nước, ở Đà Nẵng tất cả các đường phố mang tên Pháp (trừ Pasteur và Yersin) đều được đổi thành tên Việt. Cầu De Lattre De Tassigny cũng được đổi tên thành cầu Trịnh Minh Thế (tướng Cao Đài, 1922 - 3/5/1955).

Bản đồ Đà Nẵng 1967 ghi rõ cầu Trịnh Minh Thế là cầu đường bộ và đường sắt. Cầu Trịnh Minh Thế đã là một cầu đường bộ từ trước 1975 chứ không phải chỉ là một cầu đường sắt.

Tên gọi cầu De Lattre (Đờ Lát) đã đi vào dân gian nên nhiều người biết, trong khi đó chỉ có một số ít người biết là cầu đã đổi tên thành cầu Trịnh Minh Thế. Đến sau năm 1975, cầu Trịnh Minh Thế mới được đổi tên thành cầu Trần Thị Lý (1933 - 1992).

Cầu Nguyễn Văn Trỗi

Năm 1965, cầu Nguyễn Văn Trỗi được Hãng thầu RMK của Mỹ xây dựng nhằm chuyên chở khí tài quân sự từ cảng Tiên Sa vào nội đô thị xã Đà Nẵng. Đây là một trong hai cây cầu có kiến trúc vòm bằng giàn thép Poni tại Việt Nam (cầu còn lại là cầu Long Hồ tại Cam Ranh, Khánh Hòa). 

Cầu có kết cấu gồm 14 nhịp giàn thép Poni, có tổng chiều dài gần 514 m, khổ cầu 10,5 m, phần xe chạy 8,5 m, mặt cầu làm bằng gỗ và không có lề dành cho người đi bộ. 

Trước 1975, cầu có tên gọi Nguyễn Hoàng. Sau 1975, cầu có tên gọi Nguyễn Văn Trỗi, được cải tạo nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và được xem là tuyến đường bộ huyết mạch nối liền hai bờ sông Hàn cho đến khi cầu Sông Hàn được đưa vào sử dụng năm 2000. 

Năm 1978, cầu được dỡ bỏ mặt cầu bằng gỗ để thay bằng kết cấu bê tông cốt thép. Năm 1996, mặt cầu được thay bằng các tấm thép để làm giảm trọng lượng bản thân cầu do kết cấu móng của cầu bị yếu.

Cầu Nguyễn Văn Trỗi - Đà Nẵng
Xe cộ lưu thông trên cầu Nguyễn Văn Trỗi sáng 29/03/2021. Ngay sau lễ khánh thành cầu Trần Thị Lý và cầu Rồng vào sáng cùng ngày, cầu Nguyễn Văn Trỗi không được cải tạo, sửa sang, chuyển công năng thành cầu đi bộ. Ảnh: Khoi Studio.

Trước công cuộc đô thị hóa, cầu Trần Thị Lý (cũ) và cầu Nguyễn Văn Trỗi không còn đáp ứng được nhu cầu giao thông đang tăng nhanh. Theo kế hoạch ban đầu, khi cầu mới Trần Thị Lý được xây dựng xong, cầu Nguyễn Văn Trỗi sẽ được tháo dỡ. Tuy nhiên, trong lần thị sát công trình này đầu tháng 02/2012, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu giữ lại cây cầu để làm cầu đi bộ, đồng thời bố trí cảnh quan phù hợp, tạo điểm dừng chân cho người dân và du khách có thể ngắm nhìn vẻ đẹp thành phố.

Sau ngày khánh thành cầu Trần Thị Lý và cầu Rồng (29/3/2013), cầu Nguyễn Văn Trỗi chính thức ngừng lưu thông để phục vụ việc cải tạo thành cây cầu đi bộ. Việc giữ lại cầu Nguyễn Văn Trỗi, nói như nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, sẽ giúp "nàng Lọ Lem" của sông Hàn giữ được nét đáng yêu, nguyên sơ, chứng nhân cho lịch sử, cho bao ký ức nguyên sơ của người Đà Nẵng về một thời "ngăn sông cách đò", mà vẫn đi cùng sự vận động không ngừng của thành phố, góp phần tô điểm đô thị.

Ngày nay, cầu Nguyễn Văn Trỗi và công viên ở hai bên đầu cầu là nơi người dân, du khách đến dạo chơi, chụp ảnh. Vào mùa mưa bão, vào một số thời điểm, nhịp giữa của cầu được nâng lên để tàu thuyền từ phía cửa biển đi sâu vào phía Nam trú tránh.
Ảnh: Khoi Studio

Cầu Rồng 


Cầu Rồng là cây cầu thứ 7 và bắc qua sông Hàn. Vì cây cầu có hình dáng giống một con rồng nên được gọi là Cầu Rồng.

Cầu Rồng dài 568 m và rộng gần 38 m với 6 làn xe chạy, quy mô xây dựng vĩnh cửu. Cầu được khởi công xây dựng vào ngày 19/7/2009 (cùng ngày với lễ khánh thành cầu Thuận Phước gần đó), thông xe ngày 29/03/2013. Kinh phí xây cầu gần 1,5 nghìn tỷ đồng (US$88m). Cầu được thiết kế bởi Ammann & Whitney Consulting Engineers (Mỹ) với tập đoàn The Louis Berger. Việc xây dựng được thực hiện bởi Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1.

Ảnh: Khoi Studio

Cây cầu hiện đại này bắc qua sông Hàn tại bùng binh (cũ) Lê Đình Dương/Bạch Đằng, tạo con đường ngắn nhất từ sân bay quốc tế Đà Nẵng tới các đường chính trong thành phố Đà Nẵng, và một tuyến đường trực tiếp đến bãi biển Mỹ Khê và bãi biển Non Nước ở phía đông của thành phố. Cầu được thiết kế và xây dựng với hình dạng của một con rồng có khả năng phun lửa và phun nước. Hiện tại, thời gian phun lửa và phun nước bắt đầu vào lúc 21 giờ các ngày thứ bảy, Chủ nhật hàng tuần và các ngày lễ lớn.

Ảnh: Khoi Studio

Theo thiết kế, con rồng trên cầu có thể phun lửa trong hai phút và kế tiếp là 3 phút phun nước khiến cầu đã trở thành một điểm nhấn ấn tượng, độc đáo, thu hút sự quan tâm của du khách trong và người nước. Trên thực tế, trong lần phun thử ngày 06/03/2013, cầu phun được 9 quả cầu lửa với đường kính của từng quả cầu lửa đạt từ 3 tới 4 mét và các quầng lửa đi xa từ 10 tới 15 mét. Qua đo đạc thử nghiệm, cây cầu trong một đêm diễn, tiêu thụ từ 54-81 lít dầu và khoảng 2 kWh điện cho việc phun lửa. Tổng chi phí theo thời giá lúc đó từ 2 đến 2,5 triệu đồng.

Phun nước thì không như phun lửa, chi phí cho một đêm phun nước (3 phút) chỉ tốn khoảng 200 nghìn đến 250 nghìn đồng theo thời giá lúc thử nghiệm. Một lần phun (3 phút) cần 20 m3 nước và 41 kWh điện. Con Rồng không phun dòng nước đặc mà phun nước thành luồng hơi cực mạnh và đẹp, thể hiện khát vọng vươn xa của Đà Nẵng. Để làm điều này, cầu được thiết kế bồn chứa 20 mét khối nước và 325 mét khối khí nén, tạo ra hàng vạn mét khối hơi lẫn nước phun với lưu tốc 1.944 l/s.

Cầu Thuận Phước

Cầu Thuận Phước là cây cầu treo dây võng bắc qua 2 bờ sông Hàn ở khu vực tiếp giáp giữa sông Hàn và vịnh Đà Nẵng. Cầu nối đường Nguyễn Tất Thành (khu vực Hải Châu) với quận Sơn Trà.

Cầu Thuận Phước được khởi công xây dựng vào ngày 16/01/2003 với vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, do thành phố Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng 533 liên danh với Viện Thiết kế cầu đường số 2 Trung Quốc thiết kế. Công ty Cơ khí xây dựng công trình 623 thuộc Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 6 là nhà thầu chính thi công phần cầu chính dây võng. Liên danh Công ty công trình giao thông Đà Nẵng và Công ty cơ khí Thăng Long thuộc Tổng công ty xây dựng Thăng Long là các nhà thầu thi công phần cầu dẫn, cả ở phía Hải Châu và phía Sơn Trà. Cầu khánh thành vào ngày 19/07/2009, chậm tiến độ hơn ba năm vì những khó khăn khi thi công nhịp cầu chính dây võng.

Cầu Thuận Phước bắt qua cửa sông Hàn tại vị trí tiếp giáp vịnh Đà Nẵng. Hình ảnh: Khoi Studio. 

Cầu có chiều dài 1.856 m, chiều rộng cầu: 18 m, có khẩu độ nhịp dây võng lớn nhất Việt Nam: 405 m
Số làn xe: 4 (ô tô và xe máy), 2 lối đi bộ và 2 lối đi xe đạp (xe thô sơ) Trọng tải: 13 tấn 

Số lượng trụ tháp: 2. Độ cao tháp trụ: 80 m tính từ bệ cọc. Khoảng cách giữa 2 trụ tháp: 405 m. Độ tĩnh không thông thuyền: 27 m. 

Trong quá trình xây dựng cầu tại vị trí cửa sông Hàn đổ ra vịnh Đà Nẵng, địa chất cửa sông phức tạp, gây khó khăn cho việc thi công móng và mố, trụ cầu, đặc biệt là móng 2 trụ tháp. Cầu có chiều cao kiến trúc lớn, lại ở cửa biển nên ảnh hưởng của gió cũng làm cho tiến độ thi công bị chậm.

Việc thi công cọc khoan nhồi đường kính lớn D250 (cm) của 2 tháp cầu, phải ngàm vào được tầng đá gốc ở đáy sông gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của các kỹ sư và công nhân, cùng với những điều chỉnh cần thiết về công nghệ khoan, hạng mục này cũng đã hoàn thành.

Việc lựa chọn cấp phối bê tông cường độ cao cho phần dầm cầu dẫn ở thời điểm đó cũng là một thách thức đối với các kỹ sư vật liệu của dự án.

Việc thi công các nhịp cầu bê tông cốt thép liên tục bằng công nghệ đẩy ván khuôn trên đà giáo cố định của cầu dẫn phía Thuận Phước (Hải Châu) gặp rất nhiều khó khăn, do đoạn cầu dẫn có 1 đường cong nằm, bán kính 250 m.

Việc thi công 2 mố neo cáp chủ của cầu chính cũng gặp rất nhiều khó khăn do kích thước mố neo rất lớn.

Việc thi công hệ thống dây cáp chủ của cầu chính dây võng lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam nên có rất nhiều bỡ ngỡ.

Cầu Tiên Sơn

Cầu Tiên Sơn là một trong những cây cầu bắc qua sông Hàn ở Đà Nẵng, nối liền 2 quận Hải Châu và Ngũ Hành Sơn. Cầu được khởi công vào tháng 2 năm 2002, hợp long ngày 23/11/2003, khánh thành ngày 19/02/2004.

Cầu được làm từ bê tông cốt thép, dài gần 530 m, rộng 25 m. Kinh phí xây dựng cầu Tiên Sơn được huy động từ nguồn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản thông qua Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JIBIC) và vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước Việt Nam với tổng giá trị hợp đồng gần 150,3 tỉ đồng, thông qua hình thức đấu thầu quốc tế.  Ban Quản lý Dự án 85 làm chủ đầu tư dự án, liên danh tư vấn JPC (Nhật Bản), TEDI (Việt Nam), Maunsell (Australia) và các nhà thầu: Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (CIENCO1) và Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 (CIENCO5)... tham gia thực hiện dự án xây dựng cầu Tiên Sơn.

Cầu Tuyên Sơn phục vụ chủ yếu cho công tác mở rộng cảng Đà Nẵng và là một trong những chiếc cầu quan trọng của hệ thống đường bộ xuyên Á thuộc tuyến Hành lang Đông - Tây của khu vực Đông Nam Á. Đây sẽ là cây cầu chính để các xe có tải trọng nặng vận chuyển hàng hoá qua sông Hàn đến cảng Tiên Sa và ngược lại. Cầu Tuyên Sơn cũng giúp giải quyết ách tắc giao thông qua các cầu Nguyễn Văn Trỗi và Trần Thị Lý, cầu Rồng, cầu Sông Hàn...

Cầu Cẩm Lệ

Năm 2001, cầu Cẩm Lệ có chiều dài 399m, rộng 14,5m được xây dựng mới để thay thế chiếc cầu cũ già nua, gãy đổ vì bom đạn chiến tranh. Được thi công theo công nghệ đúc hẫng tiên tiến trên thế giới, nhưng chưa phổ biến ở Việt Nam, kết cấu bê-tông cốt thép và được xây dựng với quy mô vĩnh cửu. 

Cầu mới Cẩm Lệ đã hàn gắn vết thương chiến tranh và khai sáng vùng đất phía Nam của thành phố, nối liền đường Ông Ích Đường (phía bắc) và đường Phạm Hùng (phía nam). 

Cầu Nam Ô 

Cầu Nam Ô - Đà Nẵng
Cầu Nam Ô trên tuyến đường sắt Tourane (Đà Nẵng) đi Huế.

Cầu Nam Ô - Đà Nẵng
Cầu Nam Ô, tuyến đường sắt Tourane (Đà Nẵng) - Huế năm 1908

Cầu Nam Ô - Đà Nẵng
Cầu Nam Ô thập niên 1920 - 1929.

Cầu Nam Ô - Đà Nẵng
Cầu Nam Ô là cầu kết hợp giữa đường sắt và đường cao tốc; nằm cách Đà Nẵng 10 dặm về phía bắc, trên đường QL-1. Đây là đường tiếp tế quan trọng cho Phú Bài, Quảng Trị. Vào đêm 13 tháng 4 năm 1967, cầu tàu bị phá hoại. Trong ảnh, cầu tàu bị phá hủy được thay thế bằng một cầu tàu bọc thép.

Lịch sử những cây cầu biểu tượng ở Đà Nẵng
Đà Nẵng 2007 - Cầu đường sắt Nam Ô trên đường từ Đà Nẵng đi Huế. Ảnh: Jeremy Horner/Corbis.

KHOI STUDIO (TỔNG HỢP)
Schedule photo and video shoots in Da Nang and Hoi An. Email: contact@khoi.studio | Whatsapp/Zalo: +84363247570 | KakaoTalk/LINE ID: khoistudio