GpG8GpGpGUG5GfzoBSWlGUd5GA==

Hệ thống khách sạn của anh em nhà Morin tại Đà Nẵng và Huế

Hệ thống khách sạn của anh em nhà Morin tại Đà Nẵng và Huế

Những thông tin ít được biết đến về hệ thống khách sạn đầu tiên được người Pháp xây dựng tại Đà Nẵng (Tourane) và Huế.

01. KHÁCH SẠN GRAND HOTEL DE TOURANE (ĐÀ NẴNG)

Khách sạn Morin ở Đà Nẵng (Grand Hotel de Tourane) năm 1925.
Ảnh chụp khách sạn Morin ở Đà Nẵng (Tourane) năm 1928.
Dãy cửa hàng của Grand Hotel de Tourane trên con đường ở mặt sau (Đường Trần Phú ngày nay). Ảnh chụp năm 1930.
Khách sạn Lớn Đà Nẵng (Grand Hotel de Tourane) gồm 47 phòng, nằm trên đường Quai de Courbet là khách sạn đầu tiên ở Đà Nẵng.
Ảnh chụp khách sạn Grand Hotel de Tourane (Hôtel Morin Frères) năm 1965. Thời điểm này khách sạn đổi tên thành khách sạn Bạch Đằng, có địa chỉ tại số 30 đường Bạch Đằng. 


Trải qua nhiều biến cố lịch sử, tòa nhà khách sạn Grand Hotel de Tourane bị đập bỏ vào năm 2012. Trên khu đất này hiện là khách sạn Hilton Đà Nẵng, số 50, đường Bạch Đằng. Ảnh: Wayne Robertson.

Morin - thương hiệu lớn một thời ở Đà Nẵng - Bài viết của tác giả Nguyễn Quang Trung Tiến trên Báo Đà Nẵng vào tháng 4/2011.

Trong lịch sử kinh doanh ở thành phố Đà Nẵng, Morin là một thương hiệu rất uy tín, vừa có thị phần lớn lại vừa chiếm được thiện cảm của đông đảo khách hàng một cách lâu bền. Sự thành công của anh em nhà Morin là một tấm gương mẫu mực, đáng để các doanh nhân Việt Nam thời nay học hỏi, noi theo.

Anh em nhà Morin xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo có 7 người con ở ngôi làng nhỏ Mesnay gần Arbois, trong vùng Jura của nước Pháp. Cuối thế kỷ XIX, hai người anh lớn là Arthur Morin và Aimé Morin nhập ngũ, biên chế trong binh chủng Thủy quân lục chiến của Pháp và được đưa đến Bắc Kỳ. Hết hạn quân ngũ, họ ở lại lập nghiệp tại Việt Nam. Sau khi mẹ mất, 4 người em là Emile, Laure, Wladimir và Amélie cũng đến Việt Nam sinh sống.

Buổi đầu, gia đình Morin ngập chìm trong muôn vàn khó khăn, nhất là chuyện tiền nong, khi hai người em trai và hai cô em gái làm thuê trong các cơ sở thương mại của Honoré Debeaux ở Hải Phòng và của Godart tại Hà Nội với tiền lương chỉ vài đồng Đông Dương, còn Emile Morin là một cảnh sát viên nghèo. Năm 1905, Emile, Wladimir cùng hai em gái Laure, Amélie vào Tourane (tức Đà Nẵng) để tiếp nối cơ ngơi của một người thân mà họ gọi là “cha Gassier” ở dọc theo bờ sông Hàn. Đây cũng chính là thời điểm ra đời Công ty Morin.

Cơ sở của anh em nhà Morin là một khách sạn đầu tiên ở Đà Nẵng mang tên Khách sạn Lớn Đà Nẵng (Grand Hotel de Tourane) gồm 47 phòng, nằm trên đường Quai de Courbet (từ năm 1956 là Bạch Đằng). Công việc kinh doanh nhanh chóng thu được kết quả rất khả quan, do vừa kinh doanh khách sạn, cửa hàng bách hóa, rạp chiếu bóng, phòng chơi billiards, sân tennis, quán cà-phê, vừa cho thuê cửa hiệu, xe du lịch. Năm 1906, anh em nhà Morin đã thể hiện tầm nhìn bao quát và khát vọng vươn lên của mình thông qua việc mở rộng kinh doanh ra Huế.

Sau chiến tranh 1914-1918, nhà Morin quyết định thực hiện những dịch vụ mang tính đột phá với một loại siêu thị có thể đáp ứng tất cả nhu cầu của thị trường tại chỗ thông qua Tổng đại lý hàng tiêu dùng của khách sạn, với khẩu hiệu hết sức ấn tượng là “Người ta có thể được sinh ra trong một chiếc nôi của Morin và chết trong một chiếc quan tài của Morin”.

Đường lên khách sạn Morin ở Bà Nà năm 1925.
Cùng thời gian này, người Pháp đẩy mạnh xây dựng khu nghỉ mát Bà Nà ở gần Đà Nẵng, hoàn tất con đường lên Bà Nà trong năm 1919. Anh em nhà Morin đã mạnh dạn đầu tư xây dựng ở Bà Nà một nhà hàng - khách sạn hai tầng gồm 22 phòng với đầy đủ tiện nghi nằm ở sườn núi trung tâm có độ cao 1.450m, hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 1923.

Mặt trước nhà hàng Morin treo tấm sơ đồ toàn cảnh Bà Nà, có một công viên nhỏ cùng những hàng ghế xanh; bên trong có phòng nghỉ, rạp chiếu bóng, sân thể thao, các trò giải trí và nhà hàng ẩm thực. Công ty Morin là tổ chức đầu tiên đảm nhận cả việc giao nhận thư từ, hàng hóa và vận chuyển du khách từ Đà Nẵng đến Bà Nà và ngược lại. Du khách đến Đà Nẵng có thể ăn nghỉ tại Khách sạn Lớn Morin Đà Nẵng ngay bờ sông Hàn giữa trung tâm thành phố, rồi đi xe và dùng kiệu ghế lên Bà Nà nghỉ dưỡng trong Khách sạn Morin Bà Nà.

Khu nghỉ mát ở Bà Nà thời Pháp thuộc.

Khách sạn Morin trong quần thể khu nghỉ mát ở Bà Nà. Đây là nơi những người Pháp tìm hình bóng cố quốc trong thiên nhiên thay đổi bốn mùa trong một ngày.

Một ngôi nhà gỗ mang phong cách nhà nghỉ vùng núi châu Âu.

Người Pháp tận hưởng không khí châu Âu trên vùng đất nhiệt đới ở núi Bà Nà.
Dân phu gồng gánh hàng hóa trên đường lên Bà Nà ngày xưa.
Sân tenis và sân chơi dành cho trẻ em trong khách sạn Morin ở Bà Nà.
Để kết thành mạng lưới kinh doanh vững chắc trên địa bàn Trung Kỳ, anh em nhà Morin đã tiếp tục mở rộng đầu tư hệ thống khách sạn ở Quy Nhơn và Nha Trang. Khi đoạn đường nối từ đường thuộc địa số 1 lên Bạch Mã hoàn tất vào năm 1938, thì anh em nhà Morin cũng có thêm Khách sạn Morin Bạch Mã.

Thành công của nhà Morin không chỉ là sự hình thành mạng lưới các khách sạn, nhà hàng mang thương hiệu Morin đặt ở Đà Nẵng và nhiều nơi khác; mà lớn hơn thế nữa là hệ thống kinh doanh này còn được kết nối thống nhất và phát huy thương hiệu trong một tổ chức kinh doanh du lịch giữa các xứ Đông Dương. Năm 1938, các tour du lịch đường bộ xuyên Việt Nam và Đông Dương do Phòng Du lịch Đông Dương tổ chức gần như đều gắn bó với hệ thống khách sạn và các dịch vụ của nhà Morin ở Đà Nẵng, cụ thể:

Trong tour du lịch 9 ngày bằng xe hơi và xe lửa tuyến Sài Gòn - Hà Nội - Hải Phòng, du khách ăn nghỉ, giải trí tại Khách sạn Lớn Morin Đà Nẵng từ 19 giờ 15 ngày thứ năm đến 14 giờ 55 ngày thứ sáu; còn với tour 8 ngày bằng xe hơi thì từ 12 giờ 30 ngày thứ tư đến 7 giờ 30 ngày thứ năm.

Trong tour du lịch 10 ngày bằng xe hơi và xe lửa tuyến Hải Phòng - Hà Nội - Sài Gòn, du khách ăn nghỉ, giải trí tại Khách sạn Lớn Morin Đà Nẵng từ 8 giờ 26 ngày thứ sáu đến 8 giờ 38 ngày thứ bảy; còn với tour 8 ngày bằng xe hơi thì từ 17g ngày thứ tư đến đầu giờ chiều ngày thứ năm.

Suốt những thập niên 1920-1930, hầu như tất cả người Pháp sinh sống ở Trung Kỳ và du khách đến đây ít nhiều đều có sử dụng các dịch vụ của nhà Morin. Tuy nhiên, thập niên 1940 là giai đoạn mà sự nghiệp kinh doanh của nhà Morin gặp nhiều trở ngại, ảnh hưởng đến sự tồn vong cơ nghiệp khi đối mặt với khó khăn và áp lực từ cuộc chiến tranh thế giới và sự chiếm đóng của người Nhật ở Đông Dương.

Khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), Khách sạn Lớn Morin Đà Nẵng trở thành nơi giam lỏng những sĩ quan và các nhà kinh doanh Pháp. Nhà Morin tại Đà Nẵng bị thiệt hại khá lớn do cuộc đảo chính này. Sau Cách mạng Tháng Tám, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, các cơ sở kinh doanh của nhà Morin càng gặp khó khăn, nên đến tháng 7-1951, đại diện nhà Morin ký chứng thư chuyển giao quyền và lợi ích hợp pháp, chính thức chấm dứt việc kinh doanh của nhà Morin ở các tỉnh miền Trung.

Xét trên góc độ ý tưởng, hiệu quả kinh doanh và thương hiệu, thì Morin là một mẫu mực của sự thành công lớn không dễ mấy ai đạt được. Thành công đó xuất phát từ tinh thần chịu khó làm việc và ý thức của người đứng đầu, cũng như sự hoan nghênh của khách hàng. Anh em nhà Morin có đầy đủ đức tính chăm chỉ, kỹ năng của người lao động và sự kiên cường của nông dân. Các cơ sở kinh doanh của nhà Morin thu hút được nhiều khách hàng, nhờ đã mang lại cho khách cảm giác của bầu không khí thân mật ấm cúng như một gia đình; và tất cả các loại dịch vụ mà họ mang lại cho khách hàng được thể hiện bằng thái độ xuất phát từ tình cảm chứ không phải vì tiền.

Nhà Morin không chỉ vừa chiếm được thị phần kinh doanh trên nhiều địa bàn một cách có hệ thống, có liên kết khai thác trong một tổ chức dịch vụ liên ngành lớn hơn ở cấp độ toàn Đông Dương; mà lại vừa chiếm được cảm tình của đông đảo khách hàng một cách chân tình và bền vững qua nhiều thế hệ. Điều đó giải thích vì sao mãi đến sau này, những Khách sạn Bạch Đằng ở Đà Nẵng (tiền thân là Khách sạn Lớn Đà Nẵng), Khách sạn Morin Bà Nà và các nơi khác vẫn luôn được khách hàng ưa thích.

Rõ ràng, khách hàng không chỉ đến với những dịch vụ kinh doanh trên các cơ sở xưa của Morin vì những tiện nghi được phục vụ; mà khách hàng còn đến đó vì những cảm xúc và sự ngưỡng mộ của trái tim về thương hiệu của nhà Morin đã có trên một trăm năm lịch sử.

02. KHÁCH SẠN GRAND HOTEL DE HUE

Khách sạn Morin nổi tiếng suốt thời thuộc địa ở Huế, vị trí ngay tại góc đường Lê Lợi - Hùng Vương, gần đầu phía nam cầu Trường Tiền (Cầu Tràng Tiền). Ngày nay khách sạn có tên gọi là Saigon Morin Hotel, ở địa chỉ số 30 Lê Lợi, Phú Hội, TP Huế.
Trích bản dịch sách L'Indochine d'Antan (Đông Dương Xưa) của tác giả Jean Despierres, Phó Chủ tịch Tân Hội những người bạn cố đô Huế, do NXB Giáo Dục VN xuất bản tháng 10-2010, phần nói về KS Morin (trang 68-69):

"... Phía bên kia sông Hương, có cầu Clémenceau bắc qua, là khu phố người Âu, với các khu nhà hành chính (dinh Khâm sứ, cơ quan công chính, Tòa thị chính), các trường tiểu học, trung học, bệnh viện, nhà thờ, đài tưởng niệm, đặc biệt là khách sạn Morin, trung tâm của cuộc sống quan chức thuộc địa, nơi tổ chức các cuộc gặp gỡ với nhiều nhân vật quan trọng và nổi tiếng. Trong sổ vàng khách sạn vẫn còn giữ bút tích và chữ ký của những nhân vật nổi tiếng như nguyên soái Joffre và Foche, André Malraux, Sylvain Lévy, Léopold Cadière, Pierre Pasquier, Catroux, Paul Reynaud, Charlie Chaplin, v.v...

Nhưng khách sạn Morin cũng có cửa hàng bán buôn các loại hàng hóa tiêu dùng thông dụng (vải vóc, rượu, mỹ phẩm...), có rạp chiếu phim, có văn phòng du lịch, xưởng làm kem, nhà xưởng ô tô, cửa hàng thịt. Hoạt động và dịch vụ đa dạng của khách sạn giải thích câu khẩu hiệu trứ danh truyền khắp xứ Trung kỳ: "người ta có thể sinh ra trong một chiếc nôi Morin và chết trong một quan tài Morin".

Một góc khách sạn Morin ở Huế nhìn từ trên cao.
Grand Hotel de Hue (Hôtel Morin Frères) là khách sạn đầu tiên của Huế, là "ông cố tổ" của tất cả các khách sạn ở Huế ngày nay. Vào thời thuộc địa, đây là nơi nhiều nhân vật có tên tuổi đã từng trú ngụ, trong đó có cả vua hề Charlot (Charlie Chaplin)...
Một bảng lưu niệm trên cửa phòng nơi ngôi sao điện ảnh Charlie Chaplin ở cùng vợ tại khách sạn Saigon Morin ở Huế. Vua hề Charlot (Sác-lô) ở nơi đây vào tháng 4/1936. Hình ảnh: Louis Allen.
Đoàn diễu hành lễ tế Nam Giao ngang qua khách sạn Morin Huế (Grand Hotel de Hue) vào ngày 13/4/1939.
Ảnh chụp các góc phố nơi khách sạn Morin Huế tọa lạc năm 1935.









Phòng chiếu phim trong khu khách sạn Morin Frères.

Sau thời Pháp thuộc, tòa nhà khách sạn Morin Huế được sử dụng làm trường Đại học Sư Phạm, thuộc viện Đại học Huế.
Khách sạn Morin Huế ngày nay là khách sạn Saigon Morin ở địa chỉ số 30 Lê Lợi, bờ nam sông Hương, ngay đầu cầu Trường Tiền (Tên gọi là khác là cầu Tràng Tiền).

KHOI STUDIO (TỔNG HỢP TỪ FLICKR, GOOGLE)