GpG8GpGpGUG5GfzoBSWlGUd5GA==

10 trang thiết bị cần có của một thợ chụp ảnh sự kiện

10 trang thiết bị cần có của một thợ chụp ảnh sự kiện

Các thiết bị điện tử và phụ kiện đi kèm cần chuẩn bị cho một buổi chụp ảnh, quay phim sự kiện.

01. MÁY ẢNH Một thân máy ảnh (Body) có hiệu năng tốt, khả năng tùy chỉnh thuận tiện, xuất file tốt, hoạt động bền bỉ là yếu tố hàng đầu trong chụp ảnh sự kiện. Tùy theo khả năng kinh tế, yêu cầu của khách hàng và sự chuẩn bị sát sao trước khi sự kiện diễn ra, thợ chụp ảnh/quay phim trang bị cho họ các thiết bị tốt nhất, đáp ứng yêu cầu công việc. Thực tế hiện nay đã chứng minh, hầu hết các mẫu máy ảnh từ các hãng nổi tiếng như: Canon, Nikon, Sony, Fujifilm, Panasonic, Olympus... đều có thể tạo ra các bức ảnh đẹp, tùy thuộc vào thiết bị đi kèm, hoàn cảnh chụp ảnh, kinh nghiệm của người chụp ảnh, kinh nghiệm hậu kỳ và mắt thẩm mỹ cũng như thị hiếu của khách hàng.

Định dạng hình ảnh được lựa chọn thường là file RAW để tận dụng hết chất lượng trong khâu hậu kỳ. Người sử dụng có thể lựa chọn các tùy chọn khác phù hợp với hoàn cảnh như: RAW + JPEG hoặc chỉ chụp JPEG. Hãy chọn chất lượng file ảnh tốt nhất, sẵn có của máy ảnh để ghi nhận được những bức ảnh có chất lượng tốt nhất có thể.

Một trang thiết bị có giá thành thấp có thể tạo ra bức ảnh hoàn hảo nếu được đặt trong một hoàn cảnh thuận lợi hoặc được người cầm máy có kinh nghiệm sử dụng. Một trang thiết bị có giá cao ngất ngưỡng chưa thể chụp ra bức ảnh đẹp hoàn hảo nếu thiếu kinh nghiệm sử dụng của người cầm máy.

02. PIN MÁY ẢNH (BATTERY)

Trang bị nhiều pin nhất có thể, tương ứng với máy ảnh hiện có để có thể làm việc xuyên suốt sự kiện cũng như tiếp tục làm việc tại các sự kiện liên tiếp sau đó nếu người chụp ảnh không có thời gian sạc pin. 

Phụ kiện gồm một đế pin (Grip) hỗ trợ cầm nắm thuận tiện, chắc chắn được nhiều nhiếp ảnh lựa chọn để có thể tác nghiệp tốt hơn. Tuy nhiên, nếu không có phụ kiện này, người chụp ảnh vẫn có thể làm quen, thao tác và sử dụng máy ảnh tốt.

03. THẺ NHỚ

Hiện nay, trên thị trường có nhiều thẻ nhớ có dung lượng cao và thấp khác nhau, thông dụng từ 2GB - 64 GB hoặc cao hơn. Việc lựa chọn thẻ nhớ có dung lượng cao nhất có thể giúp cho việc lưu trữ file trong máy ảnh được rộng rãi hơn, hạn chế thấp nhất trường hợp đầy thẻ trong quá trình chụp. 

Một số mẫu máy ảnh có hỗ trợ hai khe gắn thẻ nhớ, vì vậy người chụp ảnh có thể tận dụng tính năng này để gắn hai thẻ nhớ, hỗ trợ backup khi cần thiết. Việc lựa chọn máy ảnh có hai khe thẻ nhớ còn hữu hiệu trong trường hợp quên thẻ nhớ.

Trong một số trường hợp, sau khi rút thẻ nhớ để copy ảnh vào máy tính, người dùng quên rút và gắn lại thẻ nhớ vào máy ảnh, thẻ nhớ còn lại trong thân máy ảnh hỗ trợ người dùng có thể sử dụng máy ảnh tạm thời.

04. ỐNG KÍNH GÓC RỘNG

Các ống kính này được khai thác để chụp các bức ảnh toàn cảnh. Trong một số trường hợp, hiệu ứng hình ảnh chụp cận cảnh bằng ống kính góc rộng mang đến góc nhìn mới mẻ.

05. ỐNG KÍNH TELE

Ống kính này được sử dụng để chụp cận cảnh các khung hình ở xa, thường có tiêu cự từ 70mm trở lên. Trong trường hợp không có ống kính Tele, việc di chuyển đến gần hơn chủ thể có thể giúp ích cho việc chụp ảnh.

06. ỐNG KÍNH FIX

Trong khả năng có thể, việc trang bị thêm ống kính fix có thể hữu hiệu trong trường hợp cần chụp chân dung cận cảnh, chụp cận cảnh tĩnh vật/thức ăn, chụp ảnh trong điều kiện cần xóa phông/làm mờ hậu cảnh. Các ống kính fix thông dụng thường có tiêu cự: 35mm, 50mm, 85mm, 135mmm với khẩu độ đa dạng, tùy thuộc vào sự lựa chọn kinh tế như: f/1.2, f/1.4, f/1.8.

Những ống kính kit có khả năng chụp ra những bức ảnh đẹp trong những điều kiện thuận lợi. Hình ảnh: Samuel branch

07. ĐÈN FLASH

Đèn flash rời, được gắn vào thân máy thường được sử dụng trong trường hợp chụp ảnh trong bóng râm, trong nhà hoặc thậm chí ngoài trời trong điều kiện nắng gắt để đảm bảo các vùng ngược sáng không bị tối. Việc điều chỉnh hướng đèn Flash là một trải nghiệm mà các thợ chụp ảnh cần sử dụng nhiều để thông thạo và có cách sử dụng riêng. Thông thường, các đèn Flash thường được gắn thêm miếng hắt sáng để chuyển hướng ánh sáng do đèn phát ra, tạo ánh sáng tự nhiên, nhẹ nhàng. Việc đánh đèn trực diện vào cảnh quan/nhân vật có thể được sử dụng trong trường hợp không gian chụp ảnh thiếu sáng trầm trọng hoặc chụp từ khoảng cách ở xa.

Để đảm bảo có đầy đủ nguồn cho thiết bị hoạt động xuyên suốt một sự kiện có thời gian kéo dài, các thợ chụp ảnh nên chuẩn bị nhiều pin nhất có thể cho đèn Flash. Pin AA, có thể sạc lại, được sử dụng rộng rãi trong các thiết bị đèn Flash hiện nay. Trong thời gian gấp gáp, không thể sạc pin kịp thời, các nhiếp ảnh gia có thể mua pin AA loại dùng một lần, được bán nhiều trong các cửa hàng tạp hóa, siêu thị, nhà sách, cửa hàng đồ điện thoại. Pin AA dùng một lần có nhiều loại, tuy nhiên thợ chụp ảnh nên hỏi mua loại có dung lượng cao nhất như Pin AA của Panasonic.

08. STEADICAM/GIMBAL/CHÂN MÁY (TRIPOD, MONOPOD)

Thiết bị chống rung cho máy ảnh/máy quay phim nhằm tạo ra các cảnh quay mượt mà, hạn chế rung lắc do tác động của việc di chuyển như bước chân và chuyển động của tay.

Chân máy (Tripod, Monopod) được sử dụng để chụp ảnh/quay phim trong điều kiện cần hạn chế rung lắc, phơi sáng dài (Long Exposure)

09. MÁY TÍNH LAPTOP/MÁY TÍNH BÀN

Đây là một thiết bị cần thiết, không thể thiếu trong khâu hậu kỳ hình ảnh/video. Trong một số sự kiện cần chọn lọc, chỉnh sửa, upload nhanh chóng, máy tính được chuẩn bị và trưng dụng sẵn sàng để thợ chụp ảnh/quay phim có thể copy file, chọn lọc và gửi nhanh chóng cho khách hàng. Ngày nay, các máy tính/điện thoại thông minh còn được trưng dụng để truyền tải file qua ứng dụng trên điện thoại hoặc hỗ trợ live trực tiếp sự kiện qua Facebook, YouTube...

10. CÁC PHỤ KIỆN THÔNG DỤNG CỦA THỢ CHỤP ẢNH/QUAY PHIM SỰ KIỆN

Dây đeo thao tác nhanh được gắn vào thân máy, tạo cảm giác rộng rãi, thoải mái cho người sử dụng.
Bộ phụ kiện vệ sinh máy ảnh đa năng, được sử dụng để vệ sinh máy ảnh và ống kính tức thời trong trường hợp thiết bị bị dính bụi bẩn, đọng nước...